Những dấu hiệu để cha mẹ nhận ra chuẩn bị cho bé đi nhà trẻ
Không ít cha mẹ thắc mắc khi nào thì nên cho bé đi nhà trẻ? Thực ra, để quyết định con nên bắt đầu đi học từ lúc nào, cha mẹ cần đọc những dấu hiệu sau của con. Có người cho rằng nên đi từ khi bé mới biết đi tầm 1 tuổi lúc bé còn chưa biết phân biệt lạ quen, chưa quá quấn mẹ. Có người lại cho rằng đi muộn tầm 3-4 tuổi thì tốt hơn vì lúc ấy bé lớn rồi, cứng cáp rồi, hiểu cô giáo nói gì. Nhưng thời điểm nào cho bé đi học để con có thể thích nghi và hạn chế việc bỡ ngỡ? Những đặc điểm sau phần nào nói lên việc bé đã "sẵn sàng". Bé đã có khả năng tự phục vụ Bé biết vào nhà vệ sinh hoặc tè vào bô khi có nhu cầu, biết cất giày dép vào giá quy định, tự mặc áo khoác, rửa tay hay tự xúc cơm…mà không sự hỗ trợ của người lớn. Đó chính là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bé của bạn để bắt đầu tách cha mẹ để bước vào môi trường mới. Đương nhiên nhiều gia đình cho rằng việc chăm sóc con tỉ mỉ từng li từng tí là việc của giáo viên, các cô có trách nhiệm giúp đỡ con trong các việc cá nhân đó hoặc dạy con làm như giáo trình của các cô. Tuy nhiên, một em bé biết tự phục vụ bản thân sẽ tự tin, dễ hòa đồng và giúp cho việc làm quen với cách sinh hoạt mới dễ dàng hơn rất nhiều. Bé biết tham gia các trò chơi nhóm Đi học mẫu giáo là lúc bé bắt đầu biết về sinh hoạt trong một tập thể nhiều bạn, mỗi bạn một sở thích, một ưu điểm, nhược điểm. Có bạn sẽ hay bắt nạt các bạn khác, có bạn luôn giành đồ chơi, có bạn thường khóc nhè, lại có bạn hay hét loạn lên trong lớp… Và trong tập thể đa dạng ấy, bé cũng sẽ được tham gia rất nhiều hoạt động đòi hỏi phải liên kết cùng các bạn, như cùng mùa, cùng chơi trò vận động, cùng xếp hình… Nếu bé chị quen chơi 1 mình, khó chấp nhận chia sẻ, thì bé sẽ chật vật khi đột nhiên được thả vào 1 môi trường mà bé không phải duy nhất. Khi trẻ sẵn sàng đi nhà trẻ, bạn sẽ nhận thấy bé rất thoải mái khi được chơi cùng các bạn, anh chị hàng xóm, dễ quen bạn mới, và nhanh bắt nhịp vào các trò chơi. Chấp nhận sự tách rời Trẻ đi học những ngày đầu tiên chắc chắn sẽ khóc nhưng thời gian khóc bao lâu hay chính là bé cần bao lâu để chấp nhận chia tay bố mẹ để ở lại 1 nơi hoàn toàn mới lạ với bé phụ thuộc nhiều vào khả năng chấp nhận sự tách rời. Quan sát bé bạn sẽ nhận thấy khả năng đó của bé. Khi đưa bé đi chơi công viên, nếu bé có thể chơi cùng bạn mà không bắt mẹ kè kè đứng bên cạnh, mà hoàn toàn thoải mái vui đùa trong khi bố mẹ có thể ở cách đó 1 chút. Khả năng này sẽ giúp bé điều chỉnh được nỗi buồn khi xa gia đình cả ngày ở lớp. Có thể tuân theo các hoạt động có giờ giấc Trẻ bắt đầu hoạt động theo một lịch trình khá ổn định, giờ ngủ, giờ ăn quy củ sẽ là dấu hiệu bé có thể tuân theo giờ giấc ở trường mầm non. Ngược lại, nếu nhịp sinh hoạt bị xáo trộn quá nhiều có thể gây sốc cho bé, khiến bé khó chịu trong thời gian đầu mới đi học. Hãy thử tưởng tượng bé vừa phải làm quen với cô mới, bạn bè mới, vậy mà giờ ăn ngủ cũng xáo trộn khác nhiều so với lịch của gia đình thì bé sẽ mệt mỏi thế nào. Cha mẹ cần khéo léo điều chỉnh từng bước một giờ sinh hoạt của bé khi ở nhà và xem khả năng đáp ứng của bé ra sao. Mỗi bé có một mốc riêng, bạn thích ứng nhanh, bạn cần nhiều thời gian hơn để thay đổi, vì thế cha mẹ không nên nóng vội, mà cần kiên nhẫn với bé. Có khả năng trò chuyện và trả lời các câu hỏi của người lớn Những bé có khả năng trả lời câu hỏi sẽ giúp cô giáo hiểu được nhu cầu, suy nghĩ cũng như tìm được cách giải quyết các vấn đề của bé dễ dàng hơn. Giao tiếp bằng ngôn ngữ luôn rút gọn thời gian làm quen của bé với những người bạn mới, môi trường mới. Cha mẹ cần dành thời gian đọc sách cùng con, trò chuyện với con mỗi ngày để bé tăng vốn từ, tăng khả năng tương tác. Đừng phó mặc bé cho người giúp việc, hay các thiết bị điện tử. Cha mẹ là người gần gũi và có tác động lớn nhất đến khả năng giao tiếp và ngôn ngữ của trẻ khi còn nhỏ. Đi học mẫu giáo là bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của bé. Dựa vào những dấu hiệu của trẻ, cha mẹ có thể cân nhắc thời điểm thích hợp nhất cho bé để bé thoải mái và nhanh bắt nhịp cùng các bạn và tuyệt đối không nên ép bé đi khi bé chưa sẵn sàng. Xem thêm: - Vượt qua khủng hoảng tuổi lên 2: http://bitly.ws/CGb9 - Cách giúp trẻ 6 tháng tuổi ngủ ngon: http://bitly.ws/CGbd