Phát triển EQ (Trí tuệ cảm xúc) bắt đầu từ đâu?

Trí tuệ cảm xúc (EQ) ở trẻ nhỏ đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ khi trưởng thành và là một trong các yếu tố quyết định hạnh phúc của trẻ trong tương lai. Nhà tâm lý học Goleman, tác giả của cuốn sách đột phá Trí tuệ cảm xúc, viết: “Trí tuệ cảm xúc dự đoán thành công trong tương lai của một người, trong các mối quan hệ, sức khỏe và chất lượng cuộc sống.” Các nghiên cứu cũng chứng minh rằng trẻ em có EQ cao sẽ có thành tích học tập cao hơn, trẻ cũng có những lựa chọn cuộc sống lành mạnh hơn. Theo giáo sự Marc Brackett, Giám đốc Trung tâm Trí tuệ Cảm xúc đại học Yale, “Những đứa trẻ được dạy về EQ có điểm số cao hơn. Các em ít hung hăng và ít bị bắt nạt hơn. Các em ít sử dụng ma túy và rượu hơn, ít lo lắng, trầm cảm và tăng động hơn.” Một nghiên cứu có sự tham gia của các giáo viên cũng chỉ ra rằng những học sinh có EQ cao hợp tác hơn và trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc trong lớp học. Các nội dung phát triển EQ đang được giảng dạy trong các trường học ở Canada, nơi trọng tâm của giáo dục mầm non và tiểu học là về kỹ năng xã hội, hiểu biết và làm chủ cảm xúc, cũng như học cách phản hồi phù hợp với cảm xúc của người khác. Tại Hoa Kỳ, hơn 90% bậc phụ huynh được khảo sát đã chia sẻ rằng việc nuôi dạy những đứa trẻ biết quan tâm tới mọi người là điều quan trọng với họ. Họ mong muốn con mình có thể ổn định về mặt cảm xúc và biết đồng cảm. Trẻ em cần được chuẩn bị để đối phó với những cơ hội và thách thức mà các con sẽ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Các em cần phải kiên cường và có thể đương đầu với mọi hoàn cảnh trong một thế giới luôn thay đổi. Chúng ta không thể mong đợi con mình đến tuổi đi học thì tự khắc có khả năng diễn giải thế giới xung quanh. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là hầu hết trẻ em đến trường mà không được chuẩn bị để đối phó với những thách thức xã hội và cảm xúc mà các con sẽ phải đối mặt trong lớp học. Liệu chúng ta có muốn giúp con trang bị đầy đủ hành trang EQ trước khi con bước vào tiểu học hay không? Nếu có, chúng ta nên bắt đầu thế nào? Ta không thể cho con điều ta không có Bạn đã bao giờ nói với con rằng “Sao con cứ khóc mãi thế" khi thấy con buồn hoặc thất vọng? Hoặc phản hồi một đứa trẻ đang khóc bằng câu "Con nín đi" hay"Có thế mà con cũng khóc"? Dường như chúng ta có xu hướng gạt bỏ cảm xúc của con cái vì bản thân chúng ta không biết phải làm gì với chúng. Dường như chính chúng ta cũng đang loay hoay đối phó với những cảm xúc lớn này nên chúng ta chỉ muốn bật công tắc vui vẻ càng nhanh càng tốt. Phải chăng vì chính bản thân chúng ta cũng không được học cách gọi tên và giải tỏa chúng một cách lành mạnh? Hay chính chúng ta vẫn luôn được dạy phải kiềm chế, kìm nén những cảm xúc không dễ chịu? Do đó, một trong những điều mạnh mẽ nhất mà cha mẹ có thể làm để giúp trẻ phát triển trí thông minh cảm xúc (EQ) chính là cho trẻ nhìn thấy và được chia sẻ về cách chúng ta làm chủ cảm xúc. Trẻ em học bằng cách quan sát cha mẹ, đặc biệt là trong giai đoạn hấp thu 0-6 tuổi. Vì vậy, hãy thực sự nghiêm túc trong việc nói với con khi bản thân bạn trải qua những cảm xúc khó khăn, và cũng cân nhắc kỹ lưỡng về cách bạn ứng phó với chúng. Sau đó hãy chia sẻ với con cách bạn đối mặt, trao quyền và bình ổn cảm xúc. Hãy bình thường hóa thực tế rằng tất cả chúng ta đều trải qua mọi cung bậc cảm xúc: vui vẻ, căng thẳng, buồn bã và tức giận, và không có gì "sai" với con nếu con cũng cảm thấy như vậy. Cách cha mẹ có thể làm gương làm chủ cảm xúc với con cái không hề phức tạp, chỉ đơn giản như việc: 👉Nếu bạn đang buồn vì để quên thứ gì đó ở cửa hàng tạp hóa, hãy cho con bạn biết cảm xúc của bạn, như "Mẹ thấy bực vì mẹ lại quên đồ và phải mất công chạy ra hàng tạp hóa lần nữa rồi." Sau đó, chủ động chia sẻ những gì bạn đang làm để giải tỏa và bình ổn cảm xúc này. “Bạn có thể nói,‘ Mẹ sẽ hít thở sâu để bình tĩnh lại - điều đó thường giúp ích cho mẹ đấy con ”. Hoặc 👉Nếu bạn trở về nhà sau một ngày tệ hại và việc con đang làm có thể bắt đầu khiến bạn khó chịu, bạn hãy tập vài động tác thể dục (hoặc làm những điều bạn thường làm để giữ bình tĩnh) và nói rằng tâm trạng của bạn không tốt và cần một chút thời gian để thư giãn và bình tĩnh trước khi lắng nghe con nói chuyện. Tất nhiên, bạn chỉ có thể làm như trên nếu bạn thực sự đã có thái độ thành thật và cởi mở với mọi cung bậc cảm xúc mà bạn đang trải qua, cũng như bản thân bạn đã có khả năng quản lý (làm chủ) cảm xúc. Ngược lại, nếu bản thấy mình vẫn còn đang loay hoay với việc đối phó với những cảm xúc bên trong mình, có lẽ, điểm khởi đầu của bạn sẽ là từ chính mình, khi bản thân bạn cần học cách biết - hiểu - làm chủ cảm xúc, phát triển EQ.

Phát triển EQ (Trí tuệ cảm xúc) bắt đầu từ đâu?
2 Các câu trả lời
 profile icon
Viết phản hồi
TapFluencer

hữu ích

TapFluencer

Hữu ích